Đại dịch covid-19 đã làm ảnh hưởng khó khăn toàn diện cho xã hội nhưng đây cũng là “một hích” chuyển đổi số cho cả nước và thế giới, trong đó, giáo dục đại học.
Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng rất nặng nề mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.
Tại hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” bằng hình thức trực tuyến do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 22/10, Tiến sĩ Trần Thị Kim Tuyến – Trường Đại học Sài Gòn có tham luận nêu ra những vấn đề cần thiết trong quản lý vận hành và phát triển giáo dục đại học thời công nghệ số sau đại dịch COVID-19.
Theo bà Tuyến, trước tình hình khủng hoảng toàn diện do đại dịch, đa phần các cơ sở giáo dục trong đó có các cơ sở giáo dục đại học phải hoàn toàn đóng cửa để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh. Nhưng để không bị gián đoạn, ngành giáo dục và đào tạo phải chuyển đổi, áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc quản trị, quản lí nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng của ngành giáo dục, nhất là phải chuyển hình thức dạy và học bằng mô hình dạy và học trực tuyến.
Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến vẫn có nhiều khó khăn như các cơ sở giáo dục còn ít chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật số. Đa phần, giáo viên phải tự cải thiện kỹ năng công nghệ của mình để sử dụng công nghệ và các ứng dụng dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều người học, sinh viên, học sinh và cả giáo viên cũng chưa có điều kiện trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy tính, điện thoại thông minh và internet wifi kết nối… nên tình trạng chưa thích ứng kịp thời, chưa phát triển đồng bộ trong hoạt động đào tạo giữa các cơ sở giáo dục là điều không tránh khỏi.
Qua thực tế, theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Thị Kim Tuyến, mô hình dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn về trình độ công nghệ thông tin ứng dụng và xử lí tình huống chưa được cập nhật đồng đều, nhất là những khu vực vùng sâu vùng xa nên việc dạy và học trực tuyến cũng chưa thể thay thế hoàn toàn hình thức học trực tiếp.
Các cơ sở giáo dục đại học, nhất là những cơ sở đào tạo nghề, rất cần các cơ sở thực hành, thực tế chuyên môn nhưng từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, môi trường cho thực tế chuyên môn bị gián đoạn do các doanh nghiệp chưa có khả năng phục hồi. Dẫn đến, hoạt động giáo dục và đào tạo có nhiều hạn chế về số lượng, chất lượng.
Đại dịch covid-19 đã làm ảnh hưởng khó khăn toàn diện cho xã hội nhưng đây cũng là “một hích” chuyển đổi số cho cả nước và thế giới, trong đó, giáo dục đại học là một trong những ngành tiên phong trong quá trình “biến thách thức thành cơ hội hiện thực”.
Những vấn đề cần thiết trong chuyển đổi số
Ngày 9/4/2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã có nhiều chia sẻ tại Diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức rằng: “Đồng cảm là nhìn thấy nỗi đau của chính bản thân, của gia đình mình từ nỗi đau của người khác, đồng cảm là thấy nỗi đau của cả xã hội từ nỗi đau của một số cá nhân yếu thế, đồng cảm để đi giải những nỗi đau của người khác, của xã hội như giải chính nỗi đau của mình…”.
Thứ trưởng cho biết: “Sự đồng cảm như là một điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tìm và giải quyết được nỗi đau cho xã hội nhưng một điều kiện nữa mà doanh nghiệp cần có để cùng Bộ Thông tin và Truyền thông hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi số quốc gia – đó là khát vọng”.
Thứ trưởng nói thêm “những mục tiêu lớn, hoài bão lớn luôn bắt nguồn từ khát vọng! Ước mơ đổi đời của một cá nhân có thể sẽ cần khát vọng của 1 gia đình. Mục tiêu lớn thay đổi vận mệnh của cả một đất nước thì sẽ cần khát vọng của cả một dân tộc – Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chính là một mục tiêu như thế”.
Cuối cùng Thứ trưởng nhấn mạnh: “Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 sẽ là năm hành động, hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia… Với tinh thần đó, trong năm 2021, không chỉ Diễn đàn thách thức công nghệ số mà nhiều sự kiện khác của Bộ Thông tin và truyền thông về chuyển đổi số sẽ lấy phương châm đi tìm và giải quyết thách thức làm mục tiêu hàng đầu”.
Cho thấy, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, vấn đề cần được triển khai thực hiện ngay và luôn, không thể chần chừ đối với tình hình sau đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Và từ thực tiễn chuyển đổi số được triển khai ứng dụng rộng rãi ở tất cả các ngành nghề, nhất là giáo dục trong năm 2020 vừa qua để kịp thời ngăn chặn, phòng tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan. Điều này cho thấy mọi khó khăn, thách thức của xã hội có thể được giảm bớt bằng kỹ thuật công nghệ số. Bên cạnh đó, về mặt công tác chuẩn bị và kinh nghiệm giữa các cơ sở chưa được đồng bộ vì còn thiếu chuyên gia, nhân sự giỏi về công nghệ kỹ thuật.
Các cơ sở giáo dục đại học tuy có nhiều điều kiện về nhân sự hơn nhưng cơ sở vật chất, các thiết bị và kinh phí phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số còn nhiều eo hẹp, thiếu thốn. Tuy nhiên, theo bà Tuyến, để đuổi kịp tình hình mới của đất nước như hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cần có lưu ý những vấn đề cần thiết trong chuyển đổi số trong quản lí, vận hành đối với các lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đại học như:
Thứ nhất, cần triển khai và nghiêm túc thực hiện các hoạt động công nghệ hóa, tin học hóa trong quản lí và giảng dạy.
Thứ hai, cần phải có kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và các chuyên viên có liên quan trong vấn đề kỹ thuật số.
Thứ ba, hỗ trợ kinh phí tối đa cho việc lựa chọn, mua bản quyền các phần mềm công nghệ trong hoạt động quản lí vận hành và giảng dạy.
Thứ tư, thực hiện trải nghiệm và đánh giá thông qua lấy ý kiến phản hồi của những đối tượng tiếp nhận thông tin từ sinh viên, học viên, giảng viên…
Thứ năm, cần phải thực hiện cải cách hành chính, đổi mới toàn diện về tư duy và phương thức quản lý theo phương hướng nâng cao năng lực, nâng cao hiệu quả trong hoạt động.
Thứ sáu, cần xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo hoàn chỉnh cả về trực tiếp và trực tuyến cùng thông qua kiểm soát, đánh giá để kịp thời khắc phục và xử lí những tồn tại, bất cập, khó khăn của hệ thống này.
Thứ bảy, cần tạo ra một quy trình chuẩn xác và rõ ràng để sinh viên, học viên có thể nắm bắt thông tin một cách rõ ràng, từ đó các em hiểu rõ là mình đang làm gì và với ai, đang sử dụng quy trình nào và làm thế nào để thực hiện quy trình đó một cách dễ dàng.
Thứ tám, cần tạo ra những công cụ ở các kênh thông tin đa dạng trên trang web để bất kỳ ai cũng có thể đăng nhập truy cập và thực hiện nội dung mà họ cần.
Thứ chín, cần xây dựng một đội ngũ chăm sóc, giải đáp thắc mắc và phải luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ trực tuyến thông qua hệ thống kết nối.
Thứ mười, tạo tâm lý áp dụng công nghệ số là một tất yếu, từng bước xóa bỏ rào cản giữa hiện thực vật lý và mạng ảo màn hình qua trải nghiệm qua những thao tác “click” chuột hay cảm ứng chạm nhẹ vào màn hình…
Mười một, tạo sự liên kết thông tin một cách liền mạch, nối kết liền mạch giữa các phòng ban để đối tượng tiếp cận thực hiện các thao tác một cách dễ dàng, chủ động.
Mười hai, các cơ sở giáo dục đại học cần phải “chuyển đổi số”, ứng dụng các phần mềm máy tính và các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tạo tính đa dạng, phong phú trong đào tạo và thực hành và luôn gắn kết với các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên tham gia những đợt tập huấn chương trình giáo dục ở thời công nghệ kỹ thuật số.
Mười ba, bên cạnh những kiến thức chuyên môn và những kỹ năng chuyên nghiệp thì các cơ sở giáo dục đại học cần phải đưa ra các tiêu chuẩn cần thiết trong nghề nghiệp như tác phong, đạo đức phải nhanh nhẹn, chuyên nghiệp; có đam mê, kiên trì và quyết tâm cao để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân; linh hoạt, năng động, sáng tạo nhằm phát huy tính năng động vốn có.
Mười bốn, các cơ sở giáo dục đại học cần phải luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất theo chuẩn phát triển của chuyển đổi công nghệ số nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho tình hình sau đại dịch.
Mười lăm, các lãnh đạo cũng quan tâm đến đời sống đội ngũ giảng viên như hỗ trợ, tăng thu nhập, khuyến khích, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp, thành tích, sáng tạo.
Mười sáu, lãnh đạo các cấp và các nhà quản lý cần quan tâm tăng cường sự phối hợp liên ngành trong thực hiện các tiêu chuẩn đánh giá.
Mười bảy, xác định xu hướng chuyển đổi số là điều tất yếu và cấp thiết nên các cơ sở giáo dục đại học cần phải thực hiện để bắt kịp các bước phát triển của thời đại. Chuyển đổi số sẽ có rất nhiều các lợi ích cho việc quản lý và cập nhật thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất.
“Nói chung, chuyển đổi số giúp các cơ sở giáo dục đại học triển khai công việc hiệu quả hơn trong tương tác và phục vụ ngày càng tốt hơn, hoàn chỉnh hơn về tư duy và trình độ tiếp nhận, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại vào thực tiễn.
Và để phát triển mô hình giáo dục đại học theo công nghệ kỹ thuật số thì cần phải có sự kết hợp chặt chẽ của ba vấn đề quan trọng nhất là con người, phương tiện và chương trình giáo dục trong xu thế hiện nay”, bà Tuyến nhấn mạnh.
Như vậy để thấy, khi xảy ra đại dịch COVID-19 cho đến nay, Việt Nam chúng ta cũng như các nước trên thế giới đều chịu nhiều thiệt hại nặng nề ở mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Từ những ảnh hưởng khó khăn và thử thách phải mau chóng phục hồi và phát triển, với những vấn đề cần thiết trong quản lý vận hành thông qua hình thức chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số ở các cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Trần Thị Kim Tuyến hi vọng góp phần cho các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển hơn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tri thức cho xã hội, đuổi bắt kịp thời xu hướng phát triển chung của thế giới và nắm bắt cơ hội khẳng định vị thế của giáo dục đại học Việt Nam.
Ngoài ra cũng góp phần tạo môi trường học tập lành mạnh, đạt chất lượng đúng chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời kì phát triển và hội nhập của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Thùy Linh
Theo Giaoduc.net