Ngày 28/4/2022 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tọa đàm chủ đề đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Các ý kiến tham luận đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tuyển sinh đào tạo, kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời, cũng đã có những đề xuất kiến nghị cụ thể đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tại buổi tọa đàm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã giới thiệu, cung cấp cho các đơn vị, cá nhân tham gia một cái nhìn toàn diện hơn về công tác chuyển đổi số của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói chung cũng như công tác giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ sớm ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Thông qua buổi tọa đàm đã có hơn 10 ý kiến tham luận đến từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Ngoài EPR, Buổi tọa đàm còn có đại diện Ban quản lý Dự án các khu công nghiệp tỉnh, 06 Trường Cao đẳng, 03 Trường Trung cấp, 07 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là có sự tham gia của Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham luận tại Hội nghị, ông Bùi Văn Linh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT (Trung tâm MOET-TSC) cho biết: Ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH có mối quan hệ hữu cơ mật thiết cùng nhau đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH, trong đó có những vấn đề về việc làm, tuyển dụng, chế độ chính sách liên quan.
Với vị trí là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, Trung tâm MOET-TSC có chức năng nghiên cứu, dự báo phát triển nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên, nhân lực ngành sư phạm; hỗ trợ đào tạo các kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực; định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; cung ứng nhân lực có trình độ đại học trở lên và nhân lực ngành sư phạm cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện công tác truyền thông về tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm, đào tạo, sử dụng nhân lực và cung ứng nhân lực…
Để các doanh nghiệp của tỉnh và tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Trung tâm MOET-TSC đề xuất các Sở, Ban, ngành trong tỉnh chuẩn bị xây dựng và hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đủ mạnh để triển khai các nhiệm vụ, hoạt động. Cụ thể, cần tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, tư vấn tuyển sinh, việc làm, tăng cường việc sử dụng nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn tỉnh, vùng lân cận.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. EPR với thế mạnh và kinh nghiệm triển khai các giải pháp chuyển đổi số luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn và cung cấp các giải pháp thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Kết luận buổi tọa đàm ông Nguyễn Quang Thuân – Phó Giám đốc Sở đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cơ sở GDNN, sự phối hợp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tích cực tham mưu UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để các doanh nghiệp và cơ sở GDNN có tiếng nói chung trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động cũng như của người sử dụng lao động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.Thực hiện chuyển đổi số trong công tác giáo dục nghề nghiệp ở giai đoạn tới cần phải được quan tâm và ưu tiên hàng đầu.
Nguồn: Phòng Lao động, VL và GDNN
Xem thêm tại: http://tsc.edu.vn/tin-tuc/tin-trung-tam/-/content/1046433/dao-tao-nguon-nhan-luc-gan-voi-nhu-cau-doanh-nghiep.html