Làm cách nào để có “hệ sinh thái số” Made in Việt Nam?

Tại hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2018 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đã chia sẻ rất nhiều góc nhìn về tầm quan trọng của hệ sinh thái số. Trong đó, một trong những vấn đề cấp bách đặt ra là phải làm sao để xây dựng được một hệ sinh thái số các sản phẩm công nghệ Made in Việt Nam.

Ưu tiên phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Việt

Chia sẻ quan điểm về hệ sinh thái số, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách mảng Điện toán Đám mây kiêm Tổng Giám đốc VinaData cho rằng, dù mạng xã hội hiện rất phổ biến với hàng tỷ người sử dụng, một hệ sinh thái số sẽ lớn hơn vậy rất nhiều.

Theo ông Vũ Minh Trí, hệ sinh thái số sẽ bao gồm 4 yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tất cả những thứ có thể tạo ra tín hiệu số, bao gồm con người, đồ vật, tiếp đến là hạ tầng để con người gửi dữ liệu số lên và lưu trữ. Yếu tố thứ 3 là chính sách quy định thiết bị, hạ tầng nào được phép gửi dữ liệu, lưu dữ liệu. Cuối cùng là quy trình về những định thiết bị nào nói chuyện với thiết bị nào, tần suất như thế nào, ra sao…

Trao đổi với Pv. VietNamNet, ông Vũ Minh Trí – Phó Tổng Giám đốc VNG chia sẻ nhiều điều về tiềm năng phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Cũng theo ông Trí, để phát triển một hệ sinh thái số, Nhà nước sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đề ra chính sách, bảo vệ dữ liệu và giúp hệ sinh thái số phát triển theo đúng hướng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Duy Tiến – đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT đang vào cuộc một cách tích cực nhằm phát triển hệ sinh thái số các sản phẩm Việt Nam.

Ông Tiến là một trong những thành viên thường trực của tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam. Đây là đơn vị được Bộ TT&TT thành lập vào giữa tháng 9/2018 với mục tiêu thúc đẩy việc kết nối giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Theo ông Lê Duy Tiến, sau hơn 2 tháng hoạt động, tổ công tác đã phác họa nên một bức tranh sơ bộ về hệ sinh thái số Việt Nam.

Hệ sinh thái số gồm rất nhiều các sản phẩm dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, Bộ TT&TT xác định 5 nhóm sản phẩm mà Bộ sẽ thúc đẩy trong thời gian tới. Đó là mạng xã hội Việt Nam, công cụ tìm kiếm Việt Nam, trình duyệt Việt Nam, phần mềm diệt virus và hệ điều hành Việt Nam.

Năm nhóm sản phẩm này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hệ điều hành là môi trường cài đặt ứng dụng. Phần mềm diệt virus có vai trò bảo vệ hệ điều hành và ứng dụng khác khỏi nguy cơ bị tấn công. Trong khi đó, công cụ tìm kiếm thúc đẩy sự hiện diện của mạng xã hội.

Ông Lê Duy Tiến – thành viên tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam cho biết, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, phần mềm diệt virus và hệ điều hành Việt Nam là 5 hướng phát triển chính mà Bộ TT&TT đang hướng đến. Ảnh: Trọng Đạt


Nhà nước sẽ tạo ra “luật chơi” chung thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi để doanh nghiệp nội có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số.
Quan điểm của Bộ TT&TT là hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường.

Lấy ví dụ về điều này, ông Tiến nhắc tới mạng xã hội Zalo của VNG và Bphone của Bkav. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ dành sự ưu tiên cho các doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ chứng minh được năng lực của mình trên thị trường.

Về cách làm, Bộ TT&TT sẽ tìm cách huy động nguồn lực từ xã hội, từ các nhà đầu tư để giúp đỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm dịch vụ Việt Nam phải có sự khác biệt so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu của người Việt Nam.

 

Việt Nam phải làm gì để phát triển hệ sinh thái số?

Nhận định về những “cầu thủ nội” trong sân chơi hệ sinh thái số, Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho biết, trong mảng hệ sinh thái số Việt Nam, mảng nội dung số được đánh giá khá tốt.

Theo ông Tân, hiện có một vài công ty Việt Nam khá mạnh trong lĩnh vực này, có thể kể đến các tên tuổi như  VNG, VCCorp… Ngoài ra, có rất nhiều công ty nhỏ và một số công ty lớn khác nhưng ít tuổi hơn trên thị trường.

Ông Tân cho rằng, trong 2-3 năm trở lại đây, nhóm doanh nghiệp này đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các công ty xuyên biên giới. Mặc dù vậy, một vài doanh nghiệp trong số đó vẫn thu được mức doanh thu lớn hàng năm nhờ đi lên bằng chính thực lực của mình.

Trước câu hỏi về việc Việt Nam cần làm gì để phát triển hệ sinh thái số, ông Tân cho rằng, chúng ta cần tháo gỡ về vấn đề cơ chế bằng việc loại bỏ bớt các quy định.Ở mảng thứ 2 của hệ sinh thái số Việt Nam, đó là các công ty thương mại điện tử, công ty nền tảng mới gọi xe.  Đa phần các công ty này đều có xuất phát điểm từ doanh nghiệp nước ngoài. Với những công ty nội địa, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp này cũng ở mức khá cao.

Lĩnh vực nội dung số hiện đang quản lý theo cách thức cấp phép. Ông Tân cho rằng, bản chất việc cấp phép là sự gò bó, nếu làm sai giấy phép thì doanh nghiệp chết ngay. Trong khi đó, lĩnh vực nội dung số đòi hỏi phải thay đổi liên tục, sáng tạo liên tục, cập nhật xu thế mới liên tục thì mới cạnh tranh được.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp (trái), cụm từ “ bảo hộ ngược” đang được nhắc đến nhiều hơn bởi cả các vị quan chức cấp cao, điều này thể hiện sự chuyển biến về chủ trương của phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng điều này chưa thể hiện ra thành các quy định cũng như hành động cụ thể.  Ảnh: Trọng Đạt

Lấy ví dụ về điều này, vị Tổng giám đốc VCCorp đưa ra dẫn chứng: “Ngày xưa xin cấp phép 1 website, doanh nghiệp chỉ được cấp quyền đăng tải bài viết. Với sự phát triển của công nghệ, ta phải up thêm cả video. Giờ thì không chỉ video mà còn cả livestream nữa. Tuy nhiên nếu giấy phép ban đầu chỉ cho phép đăng tải bài viết thì việc doanh nghiệp phát triển các hình thức sản xuất nội dung khác kia là đang làm sai luật”.

Chính vì vậy, ông Tân cho rằng, cơ quan quản lý nên tháo gỡ cơ chế bằng việc bỏ bớt các quy định, trong đó có việc loại bỏ tư duy quản lý bằng cấp phép.

Vị Tổng giám đốc VCCorp cũng đánh giá cao sáng kiến về việc hình thành tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam của Bộ TT&TT.

Theo ông Tân, để hoạt động này thực sự có hiệu quả, ngoài kênh doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với tổ công tác, các Hiệp hội có thể đứng ra tập hợp ý kiến và liên hệ thay cho các doanh nghiệp nhỏ. Điều này là bởi việc tiếp cận cơ quan quản lý của các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn rất khó khăn.

Nếu muốn có nhiều doanh nghiệp mạnh, Việt Nam phải có cơ chế nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ thành các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn thành các Tập đoàn lớn, vị Tổng giám đốc VCCorp nói.

Tác giả: Trọng Đạt

Nguồn: vietnamnet.vn

 

error: Content is protected !!