MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ THƯ VIỆN SỐ

Cùng với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin và truyền thông, thư viện số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay thư viện số nhận được sự quan tâm đặc biệt của các các tổ chức cá nhân trong và ngoài ngành. Hãy cùng EPR tìm hiểu một số khái niệm thường gặp trong Thư viện số qua bài viết dưới đây.

 

Thư viện số (Digital Library): là sự kết hợp những đối tượng vật chất được tiếp cận trong không gian vật chất, với đối tượng điện tử hiện hữu trong không gian điện tử và có thể được truy cập hầu như khắp mọi nơi. Cụ thể hơn, thư viện số ngày nay là sự kết hợp tài nguyên bao gồm không những tài liệu in ấn truyền thống, mà còn có cả sách điện tử và tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến và những bộ sưu tập điện tử do thư viện xây dựng hay do nhà thầu cung cấp từ bên ngoài. Rõ ràng thư viện như thế là bao gồm giữa thư viện truyền thống dựa trên tài liệu in ấn với thư viện điện tử thuần tuý.

 

– Kỹ thuật số (Digital): hay còn được gọi là Đóng gói thông tin. Chẳng hạn như trước đây mỗi nhà đều sử dụng cần ăng ten để bắt đài tivi vì tín hiệu tivi là những sóng điện từ được truyền theo lối liên biến (analog), ngày nay chúng ta dùng tivi kỹ thuật số có nghĩa tín hiệu tivi được đóng gói và truyền theo cáp (cable) nhờ kỹ thuật số.

Đối với ngành Thông tin – Thư viện, việc đóng gói thông tin dựa vào công nghệ Web (sử dụng XML và HTML). Như vậy, khái niệm Kỹ thuật số, Đóng gói thông tin và Công nghệ Web được xem như là một.

 

– Siêu dữ liệu (Metadata): Siêu dữ liệu là dữ liệu có cấu trúc do con người tạo ra để nói đến một dữ liệu khác. Chẳng hạn như toạ độ của một điểm trên trái đất là siêu dữ liệu vì đây là một dữ liệu có cấu trúc được xác định bởi kinh tuyến và vĩ tuyến, là những dữ liệu do con người tạo ra để nói đến một dữ liệu khác, đó là vị trí của một điểm trên trái đất thật.

Đối với ngành Thông tin – Thư viện chỉ quan tâm đến Siêu dữ liệu thư tịch (Bibliographic Metadata).  Siêu dữ liệu thư tịch hoàn toàn tương đồng với một Biểu ghi thư tịch hay nôm na là một Phiếu mục lục. Nó bao gồm những thông tin thư tịch như tác giả, nhan đề, chủ đề, từ khoá,… chỉ khác nhau một điểm duy nhất là: phiếu mục lục và cuốn sách thì tách biệt nhau (phiếu mục lục ở trong tủ phiếu; còn sách ở trong kho). Trong khi đó Siêu dữ liệu thư tịch và nội dung tài liệu đều được đóng gói bằng Công nghệ web hay Kỹ thuật số cho nên không tách biệt nhau. Một khi người dùng tin có được Siêu dữ liệu thì có được nội dung tài liệu.

 

– Bộ sưu tập số (Digital Collection): Tạo nên những Bộ sưu tập để xây dựng Thư viện số. Một Bộ sưu tập thông tin bao gồm nhiều tài liệu dưới nhiều dạng thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, âm thanh, hình ảnh động. Tài liệu là đơn vị căn bản từ đó sưu tập thông tin được xây dựng. Một bộ sưu tập có thể chứa nhiều loại tài liệu khác nhau, tuy nhiên cung cấp một giao diện đồng nhất qua đó tất cả các tài liệu có thể được truy cập, mặc dù cách mà tài liệu đó hiển thị sẽ tuỳ thuộc vào phương tiện và dạng thức của tài liệu đó. Thông thường Bộ sưu tập được tạo nên từ những Phần mềm nguồn mở.

 

– Phần mềm nguồn mở (Open Source Software): Tất cả những phần mềm được phát triển bởi những nhà thầu hay những phần mềm thương mại đều là nguồn đóng, có nghĩa là người phát triển phần mềm nắm giữ mã nguồn. Trong khi đó Phần mềm nguồn mở là phần mềm tự do, thường là miễn phí và người sử dụng có được mã nguồn nên có thể:

+ Tự do chạy chương trình với bất cứ mục đích nào;

+ Tự do chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu của mình;

+ Tự do tái phân phối bản sao để giúp người khác sử dụng;

+ Tự do phát triển chương trình và bán rộng rãi phần phát triển đó nhằm mang đến lợi ích chung cho cộng đồng.

Nguồn tham khảo: www.nlv.gov.vn

 

error: Content is protected !!