PHÂN BIỆT KHÁI NIỆM THƯ VIỆN SỐ VÀ THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

Thư viện ra đời như là kho tri thức của xã hội, có người cho rằng thư viện là đền đài của văn hoá và sự uyên thâm. Được hình thành trong thời kỳ nông nghiệp thống trị trong tư duy của nhân loại, thư viện đã trải nghiệm qua một cuộc hồi sinh với việc phát minh ngành in trong thời kỳ Phục hưng và bắt đầu thực sự khởi sắc khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng phát với hàng loạt những phát minh cơ giới hoá quy trình in ấn.

Ngày nay, hoạt động thông tin – thư viện (TTTV) được thực hiện trong những cơ quan thông tin gồm có thư viện, trung tâm thông tin, trung tâm tài nguyên, trung tâm học liệu, cơ sở lưu trữ,… bao gồm trong các loại hình thư viện: Thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành phục vụ thông tin cho người sử dụng theo yêu cầu và bằng nhiều hình thức:

– Tài liệu dạng vật chất thông qua thư viện học với công tác thư viện;

– Thông tin tư liệu thông qua thông tin học với hoạt động thông tin;

– Tài nguyên điện tử thông qua thư viện số với công nghệ mới.

Từ đối tượng vật thể (tài liệu in ấn, tài liệu nghe nhìn) mà gọi chung là tài liệu đến đối  tượng đa phương tiện (tài liệu điện tử) được mang một tên mới tài nguyên (Resources) để chỉ tất cả mọi đối tượng thông tin truyền thống và hiện đại, ngành TT-TV đã trải qua ba giai đoạn phát triển:

– Quản lý tài liệu.

– Quản lý thông tin.

– Quản lý tri thức.

 

1. Ba giai đoạn phát triển ngành Khoa học Thông tin – Thư viện

Quản lý tài liệu:

Với nghề thư viện. Tuy nhiên, chỉ tính mốc thời gian kể từ khi Melvil Dewey tổ chức trường dạy nghiệp vụ thư viện đầu tiên tại Đại học Columbia, New york, Hoa Kỳ vào ngày 01/01/1887 khai sinh ra ngành Thư viện học (Chan, 2007). Thư viện ngày đó chỉ bao gồm tài liệu in ấn và chúng ta đã dùng một thuật ngữ quen thuộc để gọi là Thư viện truyền thống.

 

Quản lý thông tin:

Thư viện phản ánh các nền văn minh, ý niệm thư viện đã trải qua nhiều giai đoạn và luôn luôn tiến triển để thích nghi với mọi tình thế. Nhu cầu tìm kiếm thông tin ngày càng cao, thư viện cũng phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu người dùng tin.

Trước hết phải thay đổi quan niệm quản lý: từ quản lý tài liệu là quản lý vật chất, người  thủ thư luôn quan tâm đến kích cỡ, quy mô, phạm vi, không gian cho đến quản lý thông tin là quản lý phi vật chất, người ta chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả và nội dung tài liệu. Người quản lý thông tin không phải chỉ quan tâm thông tin trong thư viện mình mà còn thông tin ở bên ngoài. Giai đoạn quản lý thông tin manh nha từ đó.

Trong giai đoạn này, việc áp dụng máy tính để tự động hoá công tác thư viện và hoạt động thông tin đã làm tăng khả năng quản lý thông tin rất nhiều. Mạng toàn cầu Internet với sự ra đời của công nghệ Web đã tạo nên một cuộc bùng nổ thông tin. Việc quản lý thông tin thực sự trở thành một công nghệ trong vai trò quản lý các hình thức Thư viện điện tử. Những thành tựu và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT) đã đưa ngành TT-TV đạt đến đỉnh cao của quản lý thông tin và khai sinh ra một ngành mới là Thông tin học. Từ giữa đầu thập niên 1970, với sự kết hợp chặt chẽ giữa Thư viện học và Thông tin học, một ngành học mới ra đời Khoa học Thông tin và Thư viện tồn tại cho đến ngày nay mà ta quen gọi là ngành TT-TV. Như vậy, việc ứng dụng máy tính và mạng viễn thông để tự động hoá toàn bộ công tác thư viện bao gồm việc quản lý tài nguyên điện tử khai sinh ra Thư viện điện tử trong giai đoạn này.

 

Quản lý tri thức:

Thông tin trở nên vô cùng thiết yếu trong mọi  lĩnh vực hoạt động của xã hội. Tuy nhiên nguồn thông tin ngày càng có khuynh hướng quá tải và hỗn mang, người quản lý thông tin phải dựa vào CNTT để chọn lọc và chỉ phục vụ những thông tin có ý nghĩa và hữu ích được gọi là tri thức. Theo kinh tế gia Hoa Kỳ Branscomb, nếu ví thông tin là bột mì thì tri thức là bánh mì. Giai đoạn quản lý tri thức được hình thành với việc ứng dụng tối đa công nghệ mới đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số – công nghệ “chế biến bột mì thành bánh mì” và chỉ “quản lý bánh mì”. 

Thư viện số ra đời nhằm thực hiện công việc đó trong giai đoạn quản lý tri thức này.

 

2. Từ Thư viện điện tử đến Thư viện số

Như trên đã đề cập Thư viện điện tử ra đời từ khi việc ứng dụng máy tính và mạng viễn thông cho ngành TT-TV trở nên có hiệu quả vượt bậc. Đến một lúc chính ngành TT-TV tự đánh giá rằng “Sự phát triển ngành TT-TV là gắn liền với sự phát triển của CNTT”. Điều này được khẳng định trong hai cuộc hội thảo quốc tế “Tài nguyên thông tin thư viện đại học cho vốn tri thức Đông Nam Á” tại Thư viện Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia năm 1997 và “Quản lý thư viện đại học trong tương lai” tại Đại học East Anglia, Norwich, Anh Quốc năm 1998. Cả hai hội thảo này đều có một đúc kết chung rằng: “Nhờ gắn liền với CNTT, thư viện thế giới nói chung và thư viện đại học nói riêng đang phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có”.

Kể từ đó, thư viện thế giới đã xác định việc chuẩn hoá cao độ để phát triển đồng bộ và triệt để ứng dụng thành tựu của CNTT để nhanh chóng phát triển. Hình thức Thư viện điện tử dần dần chuyển sang Thư viện số.

Thuật ngữ Thư viện điện tử dần dần biến mất trong những tài liệu về TT-TV cũng như trong giáo trình giảng dạy ngành TT-TV. Từ năm 2005, tất cả những từ điển về Khoa học TT-TV đều không còn có mục từ Electronic Library – Thư viện điện tử mà thay vào đó là Digital Library – Thư viện số.

Nguồn: Thư viện Quốc gia.

error: Content is protected !!