Liên Chi hội Thư viện các trường ĐH khu vực phía Bắc phối hợp với ĐH Hồng Đức tổ chức Hội thảo “Xây dựng thư viện số ĐH và sử dụng chung tài nguyên thông tin số”.
Ngày 27/05/2022, tại Trường Đại học Hồng Đức, Liên Chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc phối hợp với ĐH Hồng Đức tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng thư viện số đại học và sử dụng chung tài nguyên thông tin số”.
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban hỗ trợ khối trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; ông Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc và hơn 130 đại biểu là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện các cơ quan thông tin, thư viện các trường đại học trong nước.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức có sự tham dự của Phó giáo sư Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng, các khoa đào tạo trong Nhà trường; lãnh đạo và toàn thể cán bộ Trung tâm Thông tin – Thư viện.
Tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban hỗ trợ khối trường học thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ đẩy mạnh phối hợp với Liên chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc, Trung tâm Thông tin Thư viện – Trung tâm Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội động viên các trường đại học, cao đẳng là hội viên kết nối Thư viện dùng chung nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thư viện điện tử.
Trong bài phát biểu của mình, Phó giáo sư Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, trong công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra hiện nay, thư viện cần hiện đại hóa các dịch vụ thông tin, chia sẻ các sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học và nhân loại, từ đó, giúp cán bộ, giảng viên và người học tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ông Dũng cũng nhìn nhận Hội thảo là cơ hội rất tốt để các cơ quan thông tin, thư viện các trường đại học trong nước có thể cùng chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm thực tế và sáng tạo các giải pháp mới trong tiến trình xây dựng thư viện số đại học, cũng như thúc đẩy sự liên thông, hợp tác giữa các thư viện đại học.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, thời gian qua, thư viện Việt Nam, đặc biệt là hệ thống thư viện đại học luôn đảm nhận vai trò tiên phong. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay mang lại nhiều thời cơ cũng như thách thức lớn cho thư viện đại học. Qua hội thảo mong muốn các cơ quan thông tin, thư viện trong nước và đặc biệt là các thư viện đại học sẽ cùng tìm ra được các giải pháp chia sẻ thông tin hiệu quả, phát huy được tối đa các nguồn lực nhằm phát triển hơn nữa thư viện số Việt Nam nói chung và thư viện đại học nói riêng.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết chất lượng, tâm huyết của các tác giả công tác trong ngành thông tin thư viện, bao quát nhiều vấn đề quan trọng, thiết yếu trong công tác triển khai xây dựng thư viện số hiện đại.
Một số bài viết trình bày tại Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận các nội dung cần lưu tâm, cũng như các khó khăn trong công tác xây dựng thư viện số tại các trường đại học trong thực tế, tiêu biểu như tham luận “Phát triển thư viện số và quản trị thư viện số đại học dùng chung tại Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội” của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc, Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội; tham luận “Xây dựng thư viện số đại học Việt Nam trong môi trường cách mạng 4.0” của Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên chi hội Thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc; “Xu thế mới trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên số dùng chung” (Chuyên gia Bùi Tiên Phong); “Chia sẻ tài liệu liên thư viện bằng dịch vụ Mượn liên thư viện toàn cầu OCLC” (Chuyên gia Trịnh Xuân Giang); ….
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến phần mềm quản lý tài nguyên số, thư viện số cũng được các tác giả chia sẻ đến Hội thảo và đã gợi mở các giải pháp thiết thực cho việc xây dựng Thư viện số đại học và sử dụng chung nguồn tài nguyên số, như bài viết “Quản lý lưu trữ, khám phá và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu với phần mềm Dataverse” (Thạc sĩ Lê Bá Lâm – Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Ứng dụng giải pháp an ninh, tự động hóa và mở rộng thư viện thông minh 4.0 dành cho khối cao đẳng – đại học” (chuyên gia Đoàn Diễm Trang)…
Tại hội thảo, Công ty cổ phần phần mềm quản lý hiện đại; Công ty cổ phần văn hóa và Bản quyền BENITO giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của công ty trong lĩnh vực phần mềm quản lý thư viện, phần mềm thư viện điện tử, các thiết bị số hóa tài liệu, thiết kế nội thất thư viện…. và các dịch vụ liên quan khác. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, chia sẻ về sự kết nối liên thư viện giữa các trường đại học, cao đẳng, vấn đề bản quyền khi số hóa tài liệu của các trường đại học; những yếu tố tác động của xã hội số và nền kinh tế số tới hoạt hoạt động thông tin – thư viện tại các thư viện đại học ở Việt Nam.
Phát triển thư viện số dùng chung, hiện đại là một trong những yêu cầu cần thiết để hệ thống thư viện đại học hòa nhập và bắt kịp với tiến trình phát triển của hệ thống thông tin thư viện thế giới. Hội thảo “Xây dựng và sử dụng chung tài nguyên thông tin số” đã thật sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ thư viện trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những bài học bổ ích và những giải pháp thiết thực, hữu ích để phát triển thư viện số và sử dụng tài nguyên thông tin số cho các trường đại học, cao đẳng.
Phạm Ngọc Lan