VAI TRÒ CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỦ SÁCH LỚP HỌC Ở CÁC THƯ VIỆN TRƯỜNG PHỔ THÔNG

  1. Tại sao thư viện trường phổ thông cần tham gia xây dựng tủ sách lớp học?

Thư viện (TV) trường phổ thông bao gồm TV trường tiểu học, TV trường trung học cơ sở và TV trường trung học phổ thông.

TV trường phổ thông có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Điều 1, Quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông quy định: “Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy và học”.

Tủ sách lớp học – Trường TH Võ Thị Sáu – Hải Dương

Do đặc thù của trường phổ thông, học sinh phải học cả ngày nên học sinh chỉ có thể lên TV giờ ra chơi hoặc vào tiết TV. Vì vậy, việc học sinh phổ thông sử dụng TV thường bị hạn chế bởi giờ ra chơi thường rất ngắn (5-10 phút), còn tiết lên TV chỉ có ở trường Tiểu học. Chính vì vậy, để thể hiện được vai trò và thực hiện được nhiệm vụ nói trên, ngoài việc làm tốt tại TV nhà trường, TV trường phổ thông cần tổ chức các hoạt động phong phú để học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận với tài liệu như: xây dựng tủ sách lớp học, TV thân thiện, TV lưu động,…

Tủ sách lớp học (có nơi gọi là thư viện lớp, có nơi gọi là góc đọc sách trong lớp) tại trường phổ thông được hiểu là bên cạnh TV chung do Nhà trường xây dựng, tại mỗi lớp đều tự xây dựng một tủ sách – TV riêng cho lớp mình, nhằm phục vụ việc đọc sách tại lớp học. Tủ sách của TV lớp có thể được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau như: đóng góp của giáo  viên, học sinh trong lớp; tài trợ của phụ huynh học sinh hoặc các tổ chức khác; sách do TV trường cung cấp…

TV trường phổ thông cần thiết phải tham gia xây dựng và phát triển mạng lưới tủ sách lớp, bởi những lý do sau:

– Đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại TV trường phổ thông được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hàng năm:

+ Tại mục 2, tiêu chuẩn V “Quản lý thư viện”, Biên bản kiểm tra thư viện trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh ban hành (Theo QĐ số 01/2003/QĐ-BG&ĐT ngày 02/01/2003) có ghi rõ: “Thành lập mạng lưới thư viện theo năm học, thành viên mạng lưới thư viện thực hiện tốt nhiệm vụ”. Nếu có văn bản minh chứng (trong quyết định thành lập mạng lưới TV lớp học phải có đầy đủ thành phần gồm: đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh, đại diện phụ huynh học sinh và trợ lý thanh niên) sẽ đạt 2/100 điểm trong tổng điểm xếp loại TV. Như vậy, đây là một trong những tiêu chí bắt buộc các TV trường phổ thông phải thực hiện nếu muốn trở thành TV đạt chuẩn.

+ Công văn Hướng dẫn công tác thư viện trường học năm học 2013-2014 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành ngày 02/10/2013 cũng ghi rõ: TV trường cần “triển khai hiệu quả mô hình thư viện thân thiện, thực hiện các phương thức đưa sách báo tới tay bạn đọc như: thành lập tủ sách theo lớp, tủ sách lưu động, giỏ sách mini, thư viện xanh,…”.

– Việc xây dựng thành công mạng lưới tủ sách lớp học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TV trường phổ thông. Thông qua hoạt động tủ sách lớp, Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên và học sinh trong trường có thể từng bước nhận thức được tầm quan trọng của TV trường trong việc dạy và học. Qua đó, dần dần nhận thức của xã hội về vai trò về TV trường nói chung, vai trò của cán bộ thư viện (CBTV) trường nói riêng cũng được cải thiện.

– Bên cạnh đó, việc tổ chức tủ sách lớp học khiến học sinh đọc sách thường xuyên, được hướng dẫn về phương pháp chọn, phương pháp đọc sách có hiệu quả,… giúp rèn luyện thói quen đọc sách, hình thành khả năng tư duy và tự học suốt đời, từ đó góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

  1. Thư viện trường phổ thông cần làm gì để xây dựng và phát triển tủ sách lớp học?

Thuyết minh để Ban Giám hiệu thông qua chủ trương thành lập mạng lưới tủ sách lớp học: TV trường phổ thông nói chung, tủ sách lớp học nói riêng đều có vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì thói quen, kỹ năng sử dụng tài liệu cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường phổ thông lại chưa nhận thức đúng được điều này, dẫn tới chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức vào việc phát triển TV. Chính vì vậy, CBTV trường phải thuyết minh với Ban Giám hiệu trường việc cần thiết phải xây dựng mạng lưới tủ sách lớp học nói chung, phát triển TV nói riêng. Bởi đây chính là một trong những tiêu chí xếp loại TV đạt chuẩn. Kết quả xếp loại TV sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp loại trường.

Lập và trình Ban Giám hiệu duyệt kế hoạch xây dựng, phát triển mạng lưới tủ sách lớp học: Sau khi thuyết minh để Ban Giám hiệu thông qua chủ trương, các TV cần lập và trình Ban Giám hiệu về kế hoạch xây dựng, phát triển mạng lưới tủ sách lớp. Nội dung bản kế hoạch cần chỉ rõ mục tiêu, tiến trình thực hiện, nội dung công việc, thời gian hoạt động, nhân sự thực hiện chính và nhân sự phối hợp hoạt động. Để bản kế hoạch có tính khả thi cao, CBTV cần trao đổi, thảo luận trước với các cán bộ, giáo viên có liên quan.

Tham vấn Ban Giám hiệu về việc xây dựng và ban hành các văn bản về mạng lưới tủ sách lớp học: Xây dựng và ban hành các văn bản về mạng lưới tủ sách lớp là việc cần phải thực hiện vì vừa mang tính chất thông báo chính thức, giúp thống nhất phương thức hoạt động, đồng thời vừa là minh chứng báo cáo trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại TV hàng năm. Các văn bản này bao gồm: Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của mạng lưới tủ sách lớp.

Trong Quyết định thành lập, cần ghi rõ những thành phần tham gia trong hoạt động này gồm: đại diện Ban Giám hiệu, tên học sinh (thủ thư của lớp), giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp, cán bộ đoàn/ hội, TV và đại diện phụ huynh học sinh. Tại Điều 8, Chương III Quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông có ghi rõ: “Mỗi trường vào đầu năm học thành lập một tổ công tác thư viện do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng trực tiếp làm tổ trưởng (số lượng do mỗi trường quy định) gồm có: Giáo viên phụ trách công tác thư viện, các tổ trưởng hoặc khối trưởng chuyên môn, một số giáo viên chủ nhiệm lớp, đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên, Hội cha mẹ học sinh theo các khối lớp, một số học sinh có khả năng hoạt động thư viện có giáo viên chủ nhiệm lớp giới thiệu”.

Trong Quy chế hoạt động, cần ghi rõ những nội dung chính, phương thức hoạt động và trách nhiệm của từng thành viên (có tên trong Quyết định thành lập) trong công tác xây dựng mạng lưới tủ sách lớp. Những văn bản này là cơ sở giúp CBTV có thể triển khai hoạt động trong suốt quá trình xây dựng và phát triển mạng lưới tủ sách lớp học.

Tham vấn, hỗ trợ nhà trường trong việc phát động quyên góp tài liệu xây dựng tủ sách lớp học: Việc xây dựng tủ sách lớp học chủ yếu dựa trên việc tự nguyện quyên góp tài liệu của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Do đó, CBTV cần tham vấn, hỗ trợ Ban Giám hiệu trường làm rõ lợi ích của việc xây dựng tủ sách lớp học đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học. Thông qua buổi họp phụ huynh, Ban Giám hiệu và GVCN có thể vận động phụ huynh học sinh quyên góp, xây dựng tủ sách lớp học cho các lớp. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu trong tủ sách lớp học còn có thể được xây dựng thông qua sự tài trợ của các tổ chức.

Tổ chức họp và triển khai hoạt động của mạng lưới tủ sách lớp học cho GVCN: GVCN là cầu nối chính thức giữa TV với học sinh. Vì vậy, TV cần thông tin đầy đủ tới các GVCN về mục đích, yêu cầu và kế hoạch triển khai tủ sách lớp học để GVCN triển khai hoạt động này cho học sinh của lớp mình. Việc thông tin đầy đủ về mạng lưới tủ sách lớp cho GVCN là việc làm quan trọng, cần thiết bởi GVCN là người thường xuyên tiếp xúc, có ảnh hưởng trực tiếp đối với học sinh. Vì vậy, khi GVCN nhận thức đúng về tủ sách lớp học, sẽ  triển khai hoạt động này cho học sinh một cách hiệu quả.

Tạo lập và duy trì kênh thông tin liên lạc giữa thư viện với các cán bộ phòng/ ban có liên quan, giáo viên, nhất là GVCN: Xây dựng và phát triển mạng lưới tủ sách lớp học là công việc khó, các TV không thể thực hiện một mình mà cần phải phối hợp với các cán bộ phòng/ ban có liên quan, các giáo viên, nhất là GVCN cùng thực hiện. Vì vậy, để tủ sách lớp học hoạt động có hiệu quả, TV cần tạo lập và thường xuyên cập nhật kênh thông tin với các bộ phận, cá nhân có liên quan. Kênh thông tin này có thể được tạo lập thông qua email hoặc có thể lồng ghép trong các buổi họp chuyên môn của giáo viên. Qua kênh thông tin này, TV cần thường xuyên đưa tới cán bộ, GVCN nội dung kế hoạch, những việc giáo viên và học sinh cần thực hiện, thời gian và địa điểm thực hiện. Đồng thời, nhận lại thông tin phản hồi, ý kiến trao đổi, góp ý của giáo viên để làm rõ hoặc điều chỉnh nội dung hoạt động cho phù hợp.

Việc tạo lập và duy trì kênh thông tin này là rất cần thiết. CBTV phải luôn tự ý thức  được rằng: việc xây dựng tủ sách lớp học là công việc của mình, vì mình, còn giáo viên và cán bộ khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ mình. Bởi lẽ, bên cạnh tham gia tổ chức các hoạt động tủ sách lớp học, giáo viên và cán bộ còn công việc chính của họ. Vì vậy, để việc phối hợp được đồng bộ, trước hết CBTV phải làm cho GVCN thông suốt được những giá trị mà tủ sách lớp học đem lại cho giáo viên và học sinh trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Hơn nữa, TV có thể tham mưu với Ban Giám hiệu về việc đưa hoạt động của tủ sách lớp học thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của lớp. Khi đó, GVCN sẽ coi hoạt động phát triển tủ sách lớp học là một trong những công việc, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của mình. Chỉ có vậy, sự phối hợp mới được tiến hành đồng bộ, hoạt động của mạng lưới tủ sách lớp học mới hiệu quả.

Chuẩn bị nguồn tài liệu của TV để phục vụ việc đưa tài liệu về các lớp: Tủ sách lớp học được tạo lập chủ yếu từ nguồn quyên góp tự nguyện của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cần phải xác định trước rằng nguồn tài liệu này ở các tủ sách lớp học thường không phong phú, đa dạng. Vì vậy, khi tổ chức tủ sách lớp học, các TV cần căn cứ vào khả năng thực tế về nguồn tài nguyên của mình để có kế hoạch đưa sách TV về các lớp. Có thể tổ chức đưa tài liệu về tủ sách lớp học theo từng chuyên đề cụ thể hoặc đơn giản hơn là dựa vào nguồn tài liệu mà TV có để đưa về các lớp. Nguồn tài liệu này nên được luân chuyển giữa các lớp để học sinh có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu phong phú, kích thích nhu cầu đọc của học sinh.

Xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên cho TV: Mặc dù GVCN chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động tủ sách lớp học cho học sinh trong lớp. Tuy nhiên, do áp lực chính về việc giảng dạy và quản lý học sinh, nên nhiều khi GVCN không chú trọng vào việc tổ chức hoạt động đọc sách cho học sinh. Hơn nữa, không phải GVCN nào cũng có kỹ năng về việc chọn sách, phương pháp đọc cũng như phương pháp tổ chức hoạt động đọc cho học sinh. Vì vậy, song song với việc triển khai kế hoạch hoạt động cho GVCN, TV có thể triển khai tới học sinh các lớp thông qua đội ngũ cộng tác viên TV ở các lớp. Đây là lực lượng hoạt động nòng cốt trong các lớp. Đội ngũ cộng tác  viên này có thể được tập hợp thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ TV, hay đơn giản hơn là tập hợp những học sinh đảm nhiệm vai trò thủ thư – quản lý tủ sách các lớp. Thông qua đội ngũ cộng tác viên này, TV có thể nắm bắt được tình hình hoạt động tủ sách của các lớp. Từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch, hỗ trợ kịp thời. TV có thể phối hợp với giáo viên Văn, tổ chức tập huấn cho cộng tác viên về các nội dung như: phương pháp đọc sách hiệu quả, phương pháp giới thiệu sách,… Khi đó, cộng tác viên sẽ có trách nhiệm là chia sẻ, hướng dẫn lại các bạn trong lớp. Ngoài ra, TV còn có thể hướng dẫn các em nội dung về quản lý tài liệu của tủ sách bằng cách dán nhãn, bảo quản tài liệu, hay thường xuyên cập nhật thông tin tài liệu mới của TV để các em về chia sẻ lại với các bạn trong lớp.

Tham dự, khảo sát và hỗ trợ các hoạt động đọc và chia sẻ sách của tủ sách lớp: Để hoạt động của tủ sách lớp thực sự có hiệu quả, bên cạnh việc học sinh tự lựa chọn và đọc sách trong giờ ra chơi, TV có thể đề xuất với giáo viên và Ban Giám hiệu thêm thời gian tổ chức các hoạt động khác. Các hoạt động đó có thể là: quy định đọc sách 15 phút đầu giờ hàng ngày, hoặc quy định thời gian cụ thể trong tuần dành cho học sinh giới thiệu những cuốn sách hay mình đã đọc, chia sẻ những điều mình tâm đắc trong cuốn sách, hay giáo viên hướng dẫn cho học sinh phương pháp lựa chọn sách, phương pháp đọc sách hiệu quả.

Hơn thế nữa, CBTV nên trực tiếp tham dự vào một số hoạt động của tủ sách lớp học. Việc tham dự này sẽ giúp CBTV nắm bắt được hiệu quả thực tế, những điểm mạnh, yếu trong hoạt động tủ sách của mỗi lớp. Từ đó có kế hoạch nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ đối với những lớp mà hiệu quả hoạt động còn yếu. Nội dung cần hỗ trợ cho các lớp có thể là: hướng dẫn thủ thư (học sinh) trong việc quản lý sách của lớp, hướng dẫn học sinh chọn những cuốn sách có giá trị, cách đọc sách, cách thức giới thiệu sách,… hay giới thiệu tới học sinh nguồn tài nguyên phong phú của thư viện trường,… Những hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên bằng cách: CBTV trực tiếp tham gia hướng dẫn học sinh các lớp trong giờ đọc sách hoặc tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho thủ thư các lớp (hay thành viên câu lạc bộ thư viện ở các lớp) các kỹ năng nói trên để các em có thể truyền lại cho các bạn trong lớp,… Có như vậy thì hoạt động đọc sách mới thu hút sự quan tâm của học sinh, từ đó phát huy hiệu quả trong việc hình thành và rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.

Phối hợp tổ chức các hoạt động mang tính phong trào: Bên cạnh các hoạt động định kỳ do GVCN và học sinh tổ chức trong lớp như chia sẻ sách, giới thiệu sách…, TV cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động mang tính phong trào, nhằm kích thích hứng thú đọc của học sinh. Các hoạt động đó có thể như: thi viết cảm nhận về sách, thi giới thiệu sách,… (phối hợp với giáo viên Văn), thi vẽ tranh theo sách (phối hợp với giáo viên Mỹ thuật), thi làm clip giới thiệu sách (phối hợp với giáo viên Tin học),… Hoặc có thể phối hợp với cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội cùng tổ chức các hoạt động lồng ghép trong các dịp  kỷ niệm như ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Ngày Sách Việt Nam 21/4, ngày sinh nhật Bác 19/5,…

Thu thập minh chứng hoạt động: Việc thành lập và tổ chức các hoạt động cho mạng lưới TV lớp chỉ được tính điểm đánh giá, xếp loại khi TV có minh chứng đi kèm. Minh chứng có thể bao gồm: Quyết định thành lập mạng lưới TV lớp theo năm học, Quy chế hoạt động của mạng lưới TV lớp, trao đổi thông tin giữa TV và giáo viên, cán bộ có liên quan, kế hoạch hoạt động, hình ảnh hoạt động, các bài chia sẻ, giới thiệu sách của học sinh các lớp, các bài thi của học sinh tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức,… Vì vậy, CBTV phải chủ động tạo lập hoặc thu thập và lưu giữ những minh chứng này, làm căn cứ khi kiểm tra, đánh giá, xếp loại thư viện được Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành hàng năm. Đây cũng chính là minh chứng góp phần đánh giá hiệu quả hoạt động của TV.

Như vậy, xây dựng và phát triển tủ sách lớp học là việc nên làm và nhất thiết phải có sự tham gia của TV trường phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ hàng năm, vừa là động lực giúp TV trường phổ thông nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Hiệu quả hoạt động của tủ sách lớp học phụ thuộc rất lớn vào mức độ tham gia của TV nhà trường. Việc tủ sách lớp học chỉ hoạt động cầm chừng, hình thức (để đối phó với công tác kiểm tra) hay hoạt động thực sự, phục vụ nhu cầu của học sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh và đặc biệt của CBTV trường về tủ sách lớp học. Thiết nghĩ, để tủ sách lớp học thực sự hữu ích như mong muốn, cần nhất là trình độ và tâm huyết của người CBTV trường phổ thông. Khi thực sự tâm huyết, bằng trình độ nghiệp vụ của mình, CBTV sẽ vượt qua được những khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của TV, qua đó từng bước khẳng định được vai trò của TV trong hoạt động dạy và học ở trường phổ thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Biên bản kiểm tra thư viện trường học: Theo QĐ số 01/2003/QĐ-BG&ĐT ngày 02/01/2003 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
  2. Đoàn Thị Thu. Mạng lưới tủ sách lớp học tại trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý // Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2014. – Số 1(45). – Tr. 44-47.
  3. Hướng dẫn công tác thư viện trường học năm học 2013-2014: văn bản số 9274/SGD&ĐT-KHCN, ngày 2/10/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
  4. Kệ sách trong lớp học. http://tuoitre.vn/giao-duc/570982/ke-sach-tronglop-hoc.html, truy cập 26/01/2014.

________________

ThS. Đoàn Thị Thu

ĐHKHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2014. – Số 3. – Tr. 26-30.

error: Content is protected !!