BẢN QUYỀN THƯ VIỆN SỐ VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG THƯ VIỆN SỐ TẠI VIỆT NAM

  1. Thư viện số là gì

Ngày nay, người ta quan niệm Thư viện số là sự kết hợp những đối tượng vật chất được tiếp cận trong không gian vật chất, với đối tượng điện tử hiện hữu trong không gian điện tử và có thể được truy cập hầu như khắp mọi nơi. Cụ thể hơn, thư viện số ngày nay là sự kết hợp tài nguyên bao gồm không những tài liệu in ấn truyền thống, mà còn có cả sách điện tử và tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến và những bộ sưu tập điện tử do thư viện xây dựng hay do nhà thầu cung cấp từ bên ngoài. Rõ ràng thư viện như thế là bao gồm giữa thư viện truyền thống dựa trên tài liệu in ấn với thư viện điện tử thuần tuý.

Theo từ điển “Dictionary for Library and Information Science” của Joan M. Reitz: “Thư viện số là một thư viện trong đó ngoài tài liệu in ấn và tài liệu dạng thu nhỏ (vi phẩm), có phục vụ độc giả một tỷ lệ quan trọng tài nguyên dạng máy đọc được truy cập qua máy tính được gọi là Tài nguyên số (Digital Resources). Tài nguyên số có thể là tài liệu nội sinh mà cũng có thể được truy cập từ xa qua mạng máy tính. Tiến trình số hoá trong thư viện bắt đầu từ hệ thống mục lục, chỉ mục tạp chí và dịch vụ tóm tắt tài liệu đến ấn phẩm định kỳ và tài liệu tham khảo và cuối cùng là sách in”.

Những khái niệm và định nghĩa Thư viện số như được trình bày ở trên thực chất là xuất phát từ một nhận thức cách mạng hoá quan niệm về thư viện rất được thịnh hành ngày nay [5]. Theo đó tất cả những thư viện truyền thống nào có tổ chức phục vụ một số lượng đáng kể tài nguyên số thì được gọi là Thư viện số.

 

  1. Xây dựng Thư viện số gồm những bước nào

Để xây dựng hay hình thành Thư viện số, ngoài việc mua sắm tài nguyên số thương mại như CSDL trực tuyến, sách điện tử, tạp chí điện tử,… cũng như liên kết thư viện để chia sẻ tài nguyên số, thư viện phải thực hiện những công việc sau:

* Số hoá tài liệu:

Số hoá là tiến trình chuyển tải tài liệu thư viện truyền thống, cụ thể là sách và văn bản in ấn sang dạng điện tử và lưu trữ trên máy tính.

Có hai giai đoạn trong tiến trình số hoá.

– Giai đoạn đầu: Quét hình (Scanning) cho ra sản phẩm số hoá dạng hình, thường có định dạng Bitmap hoặc TIFF.

– Giai đoạn hai: Nhận dạng ký tự quang học (OCR – Optical Character Recognition), là tiến trình cho ra một sản phẩm dạng số hoá văn bản hay là trang web. Cơ bản là các định dạng RTF, Word, hoặc HTML.

Trong nhiều hệ thống thư viện số, tài liệu chỉ ở giai đoạn đầu, nghĩa là những gì độc giả thấy chỉ là hình ảnh, thường được chuyển sang dạng PDF. Đây là dạng thức dùng để mô tả trang giấy trong chương trình trao đổi tư liệu Adobe Acrobat – phần mềm Adobe Acrobat cần phải được cài đặt ở máy nhận để tập tin PDF có thể được hiển thị và in ra như dạng gốc. Giai đoạn hai đòi hỏi phải có phần mềm nhận dạng ký tự quang học để chuyển tài liệu dạng hình sang dạng văn bản – là dạng có thể cung cấp truy cập theo bất kỳ một tổ hợp từ nào hay bất kỳ kỹ thuật trích dẫn siêu dữ liệu tự động được định trước. Đồng thời chúng ta có thể chỉnh sửa trên chính văn bản đó.

Việc số hoá có thể tự thực hiện trong thư viện hay hợp đồng với nhà thầu bên ngoài. Số hoá là nhằm tạo lập những Bộ sưu tập số chuyên ngành.

* Xây dựng Bộ sưu tập số:

Đối với nghiệp vụ biên mục hiện đại, để xây dựng những Bộ sưu tập số thì chuyên viên thư viện phải Tạo lập Siêu dữ liệu (Metadata Building)  Gặt hái Siêu dữ liệu (Metadata Harvesting):

– Tạo lập Siêu dữ liệu: Nhằm tạo lập Bộ sưu tập số nội sinh. Nếu trong thư viện truyền thống, biên mục viên tạo lập phiếu mục lục hay biểu ghi thư tịch cho độc giả tra cứu nguồn tài liệu in ấn trong kho sách thì trong Thư viện số, biên mục viên tạo lập Siêu dữ liệu để độc giả truy cập vào bộ sưu tập chuyên ngành trong Kho số (Digital repository) đặt tại máy chủ của thư viện – đó được gọi là Tài liệu số nội sinh.

– Gặt hái Siêu dữ liệu: Nhằm tạo lập những Bộ sưu tập ảo bằng phần mềm chuyên dụng hay phần mềm nguồn mở, cán bộ thư viện tìm kiếm và thu gom những siêu dữ liệu của những tài liệu phù hợp với đề tài mình tìm kiếm khắp nơi trong thế giới mạng để tạo lập những Bộ  sưu tập chuyên ngành chỉ chứa những siêu dữ liệu.

Đây là hình thức thư viện ảo rất thịnh hành trong thế giới thư viện số ngày nay, đặc biệt là trong các thư viện đại học.

 

  1. Thư viện số với vấn đề bản quyền

Sưu tầm thông tin và làm cho thông tin đó trở nên phổ biến hơn đối với người khác là một điều liên quan đến vấn đề xã hội. Những người xây dựng thư viện số phải am hiểu quyền sở hữu trí tuệ để hành động một cách có trách nhiệm và đúng luật xung quanh những ứng dụng cụ thể của mình.

Thư viện số có thể làm cho việc truy cập trở nên rộng rãi hơn thư viện truyền thống. Việc truy cập này mang những đặc trưng:

– Truy cập thông tin trong thư viện số nói chung ít bị kiểm soát hơn tiếp cận sưu tập in ấn trong thư viện truyền thống.

– Đưa thông tin vào thư viện số là có khả năng làm cho thông tin đó trở nên phổ biến ngay đối với một số lượng bạn đọc hầu như vô hạn.

Muốn xây dựng thư viện số thì phải số hoá tài liệu. Vậy phải làm thế nào để tránh vi phạm bản quyền? Trước hết chúng ta phải xem xét:

– Nếu tác phẩm được số hoá ở miền công cộng (không có bản quyền) thì không phải xin phép. Dĩ nhiên kết quả số hoá cũng không được bảo vệ bản quyền, trừ phi kết quả nhiều hơn bản gốc.

– Nếu tài liệu được tặng cho thư viện để số hoá và người tặng có bản quyền thì chúng ta tiến hành số hoá, tuy nhiên cần phải yêu cầu người tặng cung cấp cho mình quyền được số hoá – có thể bằng một mẩu giấy có ghi “quyền sử dụng tác phẩm với bất kỳ mục đích chung của đơn vị, dưới bất kỳ phương tiện nào”.

Nếu muốn số hoá tài liệu mà không rơi vào hai trường hợp trên thì phải cân nhắc thử việc số hoá có phải là một việc làm có lợi ích chung mà không xâm phạm lợi ích của người khác. Đây là một điều khó về mặt pháp lý. Cuối cùng nếu chúng ta không chắc chắn với điều cân nhắc trên thì phải tiến hành xin phép để được cấp phép thực hiện số hoá.

Tóm lại, để tiến hành xây dựng thư viện số cần phải lưu ý đến vấn đề bản quyền. Những người thực hiện phải cam kết hiểu biết đầy đủ về bản quyền và nhận thức sâu sắc rằng giấy phép là rất cần thiết để chuyển đổi tài liệu không thuộc miền công cộng.

 

  1. Thực tế xây dựng Thư viện số ở Việt Nam

Việc đánh giá “Sự phát triển ngành TT-TV là gắn liền với sự phát triển của CNTT” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với cộng đồng thư viện thế giới trong việc nhanh chóng phát triển ngành TTTV nói chung và hình thành Thư viện số nói riêng. Từ đó, rất nhiều đổi mới trong ngành TT-TV được thực hiện mà đổi mới cơ bản nhất là đào tạo. Hầu hết những cơ sở đào tạo ngành TT-TV đều được chuyển sang giảng dạy trong môi trường CNTT hay kỹ thuật. Chẳng hạn như Đại học Tin học Brighton, Anh Quốc, Đại học Kỹ thuật Nangyang, Singapore, Đại học Thương mại điện tử Victoria, New Zealand,… Ở Hoa Kỳ, người ta đưa CNTT vào trường đào tạo TT-TV. Nói chung chương trình  đào tạo ngành TT-TV phải đặt nặng CNTT nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện am hiểu CNTT để đảm đương vai trò “Đứng giữa lãnh đạo và nhà thầu” trong công việc hiện đại hoá thư viện.

Ở Việt Nam, việc phát triển ngành TT-TV nói chung và Thư viện số nói riêng gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn cơ bản như sau:

4.1. Chậm đổi mới

Theo nhà thư viện học người Nga V.V. Xcvortxov, trong giáo trình “Thư viện học đại cương” được giảng dạy tại Nga thì nền thư viện học thế giới được chia thành 5 giai đoạn như được minh hoạ trong sơ đồ dưới đây.

– Giai đoạn của sự phát triển thư viện như một môn khoa học thống nhất gắn liền với công nghệ thông tin.

Theo đó, ở giai đoạn (4) bước sang thế kỷ XX đã hình thành một sự phân đôi giữa thư viện học xã hội chủ nghĩa và thư viện học tư bản chủ nghĩa, đến nay (thế kỷ XXI) là giai đoạn hội nhập (5).

Ngành TT-TV Việt Nam đã từng phát triển theo mẫu hình của Liên Xô cũ, nên trong giai đoạn hội nhập hiện nay gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nhận thức về sự chuẩn hoá và đổi mới nghiệp vụ. Do đó, chậm phát triển. Bản thân ngành TT-TV Nga đã nhanh chóng thay đổi và hội nhập với cộng đồng thư viện thế giới.

Cộng đồng thế giới ngày nay đang phát triển theo khuynh hướng toàn cầu hoá. Chính sách của Đảng và Nhà nước là mở cửa. Nếu chúng ta không hội nhập thì sẽ bị đào thải hoặc chậm phát triển. Khoa học kỹ thuật và những ngành tác động trực tiếp đến đời sống xã hội như ngân hàng, kinh tế, kiểm toán,… thì chúng ta thấy ngay sự cần thiết của chuẩn hoá.

Ngành TT-TV ít được quan tâm và bản thân những người trong ngành, thậm chí đầu ngành không nhận thức sâu sắc rằng “Sự phát triển ngành TT-TV là gắn liền với sự phát triển của CNTT”, mà chỉ xem CNTT như là một ứng dụng bình thường như những ngành nghề khác. Ngoài ra còn nhiều yếu tố tâm lý khác tác động đến việc nhận thức về chuẩn hoá dẫn đến việc chậm đổi mới như hiện nay. Chúng ta đều biết rằng “Đổi mới là khó khăn” nhưng đặc biệt trong ngành TTTV “Đổi mới là chìa khoá đi vào tương lai” (Lesli Burger, 2006).

4.2. Thiếu nguồn nhân lực quản lý Thư viện số

Khó khăn ở trên là nguyên nhân dẫn đến khó khăn thứ hai. Vì chương trình đào tạo ngành TTTV hiện nay thiếu cập nhật và hệ luỵ là chương trình đào tạo này chỉ đáp ứng nhu cầu không thay đổi trong một xã hội đang thay đổi từng ngày. Chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo, nhưng vẫn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực để quản lý Thư viện số nói riêng và để đáp ứng nhu cầu phát triển thư viện theo hướng chuẩn hoá – hội nhập nói chung.

4.3. Phát triển thiếu đồng bộ và lãng phí

Rõ ràng khó khăn thứ nhất và khó khăn thứ hai đã đưa đến khó khăn trực tiếp trong việc hiện đại hoá thư viện Việt Nam hiện nay.

– Đại bộ phận thư viện chưa có điều kiện hiện đại hoá và xây dựng Thư viện số thì vẫn loay hoay với những giá trị cũ (Mục lục phân loại, phân loại 19 dãy,…). Đúng ra thì nên thay đổi những chuẩn thư tịch theo hướng chuẩn hoá – hội nhập với những chuẩn quốc tế để chuẩn bị cho việc tự động hoá những chuẩn đó.

– Một số thư viện có điều kiện hiện đại hoá, trong số đó có những thư viện lớn, tiêu tốn rất nhiều tiền trong những dự án hiện đại hoá thư viện. Những thư viện này hoàn toàn giao phó mọi công việc cho nhà thầu và chuyên viên CNTT. Mỗi thư viện làm một kiểu khác nhau.

– Các thư viện này chủ yếu mua sắm những thiết bị hiện đại đắt tiền rồi “trùm mền”. Việc làm này chỉ có lợi cho nhà thầu và những người có liên quan đến dự án hơn là làm lợi cho chính những thư viện đó và nhất là sự phát triển ngành TT-TV nước nhà.

 

Kết luận

Từ những năm cuối thế kỷ trước, khi ngành TT-TV thế giới ứng dụng triệt để CNTT để  tự động hoá thư viện và phát triển nguồn tài nguyên điện tử thì Thư viện điện tử ra đời. Bắt đầu những năm đầu thế kỷ này,“Sự phát triển ngành TT-TV là gắn liền với sự phát triển của CNTT” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo thì ngành TT-TV thế giới đã phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có. Thế giới bước vào kỷ nguyên số và Thư viện số ra đời. Ngày nay trên thế giới, xu thế phát triển thư viện số đã trở thành một phần chủ đạo trong toàn cảnh hoạt động TT-TV. Ngành TT-TV Việt Nam phát triển chậm so với cộng đồng thế giới. Trong khi cả thế giới đã hoàn thiện và phát triển Thư viện số thì nhiều thư viện Việt Nam chưa ứng dụng máy tính và đại bộ phận bắt đầu xây dựng Thư viện điện tử.

Điều này là hệ quả của việc nhận thức về giá trị của chuẩn hoá – hội nhập chưa đúng, mà điển hình nhất là chương trình và chất lượng đào tạo ngành TT-TV không đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực để xây dựng thư viện hiện đại nhằm bắt kịp nhịp phát triển với cộng đồng thế giới.

Nguồn: Thư viện Quốc gia

error: Content is protected !!